Khoa học phát triển kèm theo sự thay đổi trong cạnh tranh. Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, phân phối không chỉ cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu mà yếu tố cạnh tranh về con người được các tổ chức đặt lên hàng đầu. Ngày nay, hoạt động thương mại giữa các quốc gia xích lại gần nhau hơn, do sự giao hòa giữa các nền kinh tế. Giới hạn đường biên được mở rộng, các quy định quốc tế cũng như sự thành lập các hiệp hội, tổ chức tương trợ xuyên quốc gia ngày càng phát triển. Việc chuyển giao, tư vấn kỹ thuật đơn giản nếu doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ. Mọi thông tin sẵn có trên internet nếu sử dụng Google để tìm kiếm các vấn đề quan tâm.
Vấn đề đặt ra, Ai là người sử dụng công nghệ, vận hành quy trình, đủ trình độ để truy xuất nguồn thông tin, thông hiểu thị trường để định hướng cho doanh nghiệp. Khi xác lập con người là yếu tố cạnh tranh giúp doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ và “lôi kéo” người giỏi về phục vụ doanh nghiệp. Trong cuốn sách “Con đường kinh doanh thành công” nữ doanh nhân nổi tiếng nước Mỹ Mary Carey đã viết “ Con người quan trọng hơn của cải”. Cựu Tổng giám đốc hãng xe hơi General của Mỹ đã nói rằng “ Lấy hết tài sản của tôi đi, nhưng để nhân tài của hãng tôi lại, năm năm sau, tôi sẽ lấy lại những gì đã mất”
Nhìn lại các doanh nghiệp phát triển không thiếu những nhân tài kiệt xuất. Việc tuyển dụng, săn đầu người tại các công ty đa quốc gia là hoạt động thường xuyên để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, năng lực hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện qua cách điều hành, sự sáng tạo của đội ngũ nghiên cứu sản phẩm, áp dụng công nghệ mới. Do đó nhân tài đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ý tưởng, nâng cao tinh thần cải tiến. Thực tế, công ty có nhiều nhân tài sẽ tiên liệu xu hướng diễn biến thị trường, đoán nhận được hình thái kinh doanh mới để từ đó đón đầu “chạy nhanh” trên con đường dẫn đến THÀNH CÔNG.
Hoàng Khang