Vào thế kỷ thứ V – III trước công nguyên, đối với lĩnh vực quân sự để đánh giá lực lượng từ đó đưa ra định hướng chiến lược phù hợp Tôn Vũ đã đưa ra 5 yếu tố để so sánh sự tương quan giữa các lực lượng: 1/Chính trị, 2/Thiên thời, 3/Địa lợi, 4/Pháp chế, 5/Tướng lĩnh và không phải ngẫu nhiên mà Tôn Tử đưa yếu tố Chính trị lên hàng đầu để thể hiện sự quan trọng của con người trong tổ chức – có đoàn kết, chia sẻ, hướng đến mục tiêu chung …thì cuộc chiến đó sẽ thắng lợi.
Có một lần học trò của Khổng Tử hỏi ông về 03 yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa yếu tố nào là quan trọng nhất, Khổng Tử đã trả lời: “Thiên thời không bằng Địa lợi, Địa lợi không bằng Nhân hòa”. Trong tam tài “Trời, Đất, Con người” thì con người vẫn là chủ thể quan trọng nhất. Hà Đồ, Lạc Thư dựa vào sự vật hiện tượng để hình thành nên các hành từ đó xuất hiện thuyết âm/dương, ngũ hành… và Kinh Dịch ra đời để con người thấu hiểu thêm đạo trời từ đó có cách hành xử đúng với xã hội, thiên nhiên.
Ngày nay, khi đánh giá sự phát triển của một doanh nghiệp thì nguồn nhân lực vẫn là yếu tố then chốt, đặc biệt việc đề bạt các vị trí chủ chốt trong tổ chức theo phương thức đúng người đúng việc sẽ quyết định số phận của doanh nghiệp trong tương lai. Khi chia sẻ về vấn đề này, Ông Inamory Kazuo từ một người bình thường đã xây dựng Kyocera trở thành một tập đoàn hàng đầu tại Nhật Bản, với ông để thành công trong sự nghiệp khi chọn người lãnh đạo, điều đầu tiên ông chọn là những người có đức và nhiệt huyết, có thể năng lực yếu hơn một chút nhưng chính sự say mê cống hiến và đạo đức của họ sẽ gia tăng sự tin tưởng của tập thể từ đó tạo nên sự đồng thuận trong tổ chức.
Đối với quản trị doanh nghiệp, tiến sỹ Alan Phan cho rằng ” Nếu tài sản, thương hiệu, thị phần, ngành nghề nằm trong phần định “lượng”, thì kỷ cương quản trị và tư cách của ban quản lý là phần định “phẩm”. Một doanh nghiệp to lớn về mọi chuẩn mực định lượng vẫn có thể bị sụp đổ và tê liệt nếu được lãnh đạo bởi những nhà quản lý thiếu tầm nhìn, đức độ hay kỹ năng”. Để minh chứng vấn đề này Tiến sỹ đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể: Hãng dầu khí BP tồn tại và phát triển hơn 100 năm, chỉ cần một vụ tràn dầu ở vịnh Mexico là tan hoang tài sản trong vòng 6 tháng. Công ty kiểm toán Arthur Anderson là một thương hiệu lớn trong suốt 90 năm, chỉ cần dính líu vào một vụ bê bối của một khách hàng (Enron) là phá sản.
Với xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của mỗi doanh nghiệp thì tầm nhìn, sự sáng tạo và việc đón nhận xu thế kinh doanh của người lãnh đạo trong thời điểm hiện nay, sẽ quyết định quy mô hoạt động cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp trong tương lai.
Hoàng Khang