Sự hiểu lầm về Tăng sĩ là điều tự nhiên của hầu hết mọi người trong xã hội. Sự hiểu biết sai lầm đó rất khó sửa

♦️ Câu hỏi: Bạch Thiền sư. Bạn con hay làm thiện Pháp. Vừa, rồi con muốn gieo duyên cho bạn ấy về Tăng đoàn của Ngài đảnh lễ. Cô ấy sau khi nghe con nói thì phán 1 câu: “Em chỉ giúp đỡ những người thật sự khó khăn. Còn Tăng Ni không lo làm mà suốt ngày ngồi tụng kinh.”

Con nghe mà đau lòng vì bạn con đã gieo khẩu nghiệp. Ngài cho con lời khuyên để con nói lại cho bạn ấy hiểu, để bạn con không tiếp tục khẩu nghiệp nữa ạ.

Con kính tri ân Ngài!

✅ Thiền sư Ottamathara: Sự hiểu lầm về Tăng sĩ là điều tự nhiên của hầu hết mọi người trong xã hội. Sự hiểu biết sai lầm đó rất khó sửa. Bởi chỉ những vị cao tăng hay những vị Tăng sĩ ít vô minh và dính mắc mới có thể hiểu được giá trị thực sự của việc tu hành.

Có nhiều điểm tốt liên quan đến các Tăng ni và Thiền sinh – những người được xem là người con của Đức Phật.
Đức Phật dạy, chỉ có người biết đến Pháp mới có thể biết đến Phật. Nếu một người không biết rõ Pháp, người đó không thể biết rõ Đức Phật. Điều này cũng tương tự đối với Tăng đoàn. Chỉ có người biết rất rõ Pháp, người đó có thể biết rất rõ Phật và Tăng.

Biết Pháp là học kiến thức Phật giáo hoặc áp dụng những kiến thức Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng hầu hết người dân trong xã hội đều không học tốt các kiến thức Phật giáo. Và cũng không áp dụng tốt lời dạy của Đức Phật vào đời sống hàng ngày. Đó là lý do tại sao trong xã hội có sự thiếu hiểu biết và dính mắc của người dân đối với Phật – Pháp -Tăng.

Tôi sinh ra ở một đất nước Phật giáo. Tôi đã trở thành một Phật tử theo truyền thống như cha mẹ tôi. Họ cũng là những người theo đạo Phật truyền thống.

Vì không hành thiền và nghiên cứu kiến thức Phật học cho kỹ, nên bản thân tôi cũng đã từng không hiểu rõ lắm về Phật – Pháp -Tăng. Đó là lý do tại sao tôi đã từng không muốn trở thành một nhà sư.

Tôi không thích đi tu vì cái nhìn không tốt của người dân trong xã hội về Phật – Pháp – Tăng đoàn. Lúc đó, tôi không thể xả ly khỏi cuộc sống cư sĩ của mình. Tôi khi đó không quan tâm đến đời sống của Tăng Ni. Tôi chỉ quan tâm đến đời sống cư sĩ.

Khi tôi bắt đầu hành thiền vào năm 1999, tôi phải làm việc với các Thiền sư, Thiền sinh và các Tăng Ni đang thực tập thiền tại các trung tâm thiền.

Thiền – điều mà trước đây tôi nghĩ – chỉ là ngồi và không làm gì cả. Đó là lý do tại sao tôi không muốn hành thiền.

Tôi nghĩ Thiền rất dễ. Có gì khó đâu. Bạn chỉ việc ngồi tĩnh lặng và không cần phải làm gì cả đó là những gì tôi đã nghĩ về thiền.

Khi bắt đầu thực sự thực hành Thiền, tôi đã hiểu ra rằng, Thiền là hành động của tâm. Mình phải tu tập trên Tâm mình để Tâm ngày càng ổn định, vững vàng và thanh tịnh hơn. Đó thực sự là công việc khó khăn nhất đối với tôi lúc bấy giờ – hơn cả công việc của một doanh nhân mà khi đó tôi đang theo đuổi.

Nhờ kinh nghiệm thực hành Thiền của bản thân, tôi đã hiểu được Pháp. Tôi hiểu được việc giúp đỡ – bố thí – cúng dường cho Phật – Pháp -Tăng, giữ giới và hành Thiền là Pháp thực sự mà tất cả chúng ta nên thực hành khi còn là một Thiền giả.

Khi tôi bắt đầu thực hành Thiền , tôi lúc nào cũng dính mắc vào hành động. Cả về hành động thể chất lẫn hành động tinh thần – tức là suy nghĩ.

Tôi là người khi còn là cư sỹ ngoài đời, tôi là người quan tâm tới hành động. Tôi không sợ hành động. Tôi thích hành động. Nhưng khi tôi thực hành Thiền, tôi hiểu rằng Thiền là hành động khó khăn nhất. Khó khăn nhất nhưng cũng cao quý nhất trong mọi loại thiện Pháp.

Thật sự rất khó khăn nếu chúng ta không nhận được sự giúp đỡ của một vị thầy, một người đại diện cho Phật – Pháp – Tăng. Đức Phật là người đã đạt được thành công lớn nhất trong việc thực hiện mọi thiện Pháp. Không còn việc lành nào để Đức Phật thực hành. Ngoài ra, Đức Phật là người không còn gì để biết nữa. Phật có thể biết mọi điều cần biết.

Tôi đã hiểu về Phật Pháp Tăng đoàn nhờ việc thực hành Thiền và làm những việc phước thiện của riêng mình. Bằng cách này, tôi có thể thành công buông bỏ, xả ly và hiến tặng tài sản của mình, kể cả mạng sống của tôi cho Phật -Pháp – Tăng. Tôi chính thức trở thành Tăng sĩ Phật giáo vào năm 2002.

Nếu tôi không thực hành Chánh niệm và xả ly, tôi chắc chắn đã không thể xả ly khỏi tài sản và bản thân mình. Chắc chắn là như vậy.

Thực hành Chánh niệm và xả ly có thể thay đổi cách nhìn, trí thông minh và toàn bộ cuộc đời tôi, tôi bản thân tôi và cuộc đời có có thể trở thành hữu ích nhất, được sử dụng tốt nhất trong Phật giáo hiện đại.

Có nhiều điều rất tốt đẹp trong đời sống Tăng sĩ, nhưng thật sự khó giải thích cho người tại gia trong xã hội. Vì khi chưa phải là Tăng sĩ, họ không thể làm những thiện Pháp như chư Tăng Ni. Vì thế, họ không đủ trí tuệ để biết được ưu điểm của Chư Tăng Ni.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực không phải là không tồn tại một số nhược điểm dưới con mắt của người cư sỹ. Như việc nhiều cư sỹ cho rằng Tăng sỹ chối bỏ xã hội và hoạt động xã hội chẳng hạn.

Sự thực, không phải tất cả các Tăng sĩ đều từ chối xã hội và các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, đời sống xã hội có rất nhiều hạn chế và tác dụng phụ. Một số tu sĩ có thể có điểm yếu ở đó, nên họ không mấy quan tâm đến xã hội và người tại gia. Họ sẽ chỉ hướng dẫn những cư sĩ trong xã hội hoặc họ có thể bận rộn làm những thiện pháp liên quan đến Phật – Pháp – Tăng mà thôi.

Ngoài ra, cũng do quan điểm và lựa chọn của từng Tăng sĩ. Hầu hết các bậc Trưởng lão tại Myanmar đều đã trở thành Sa Di khi họ còn rất trẻ (đi tu từ nhỏ). Vì thế, cuộc sống của họ khác hẳn với những người tại gia trong xã hội. Họ chỉ phụng sự cho Phật – Pháp – Tăng. Họ hoàn toàn và trọn vẹn quan tâm đến Phật – Pháp – Tăng. Đó là lý do tại sao, có một số Tăng sĩ có thể không biết gì về xã hội bên ngoài. Vì vậy, các vị sẽ chỉ giải quyết được những vấn đề của những người theo đạo. Các vị sẽ không tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội. Cũng như không biết về người cuộc sống bên ngoài xã hội quá nhiều.

Vẫn tồn tại khá nhiều người trong xã hội chỉ quan tâm đến người khác trong xã hội. Họ không quan tâm tới tôn giáo hay những người có tôn giáo. Đó là lí do tại sao họ bác bỏ Chư Tăng Ni.

Và cũng bởi vì không chấp nhận, họ hoàn toàn không biết gì về người có đạo. Hoặc nếu có biết thì họ lại hoàn toàn hiểu sai về người có đạo.

Sự hiểu lầm hay quan điểm sai lầm không chỉ xảy ra ở một bên mà cả từ hai phía.

Về phía người tại gia gắn bó với xã hội, họ sẽ chỉ làm việc cho xã hội và cho người tại gia. Họ không muốn làm việc cho Phật – Pháp – Tăng – Tam Bảo.

Cũng vậy, về phía người có đạo, họ rất gắn bó với tôn giáo nên chỉ làm việc thiện cho đạo Phật. Có thể họ sẽ không làm việc cùng một số cư sĩ trong xã hội nếu những cư sĩ đó không làm việc cho Tam Bảo.

Đây là tình trạng chưa hài hòa chung của tôn giáo, không chỉ trong Phật giáo mà còn ở các tôn giáo khác cũng như vậy cả.

Về cá nhân tôi, tôi đã và đang làm những việc thiện không chỉ cho chư Tăng Ni mà còn cho mọi người trong xã hội. Những điều tôi làm xuất phát từ những gì tôi hiểu biết. Tôi hiểu rằng, làm thiện Pháp cho xã hội cũng rất quan trọng đối với Phật giáo hiện đại. Hoàn toàn có thể nương thiện Pháp của xã hội – thiện pháp của Thế gian để đưa giáo lý của Đức Phật tới sâu rộng mọi người. Có như vậy, chúng ta mới có cơ hội để làm giảm bớt sự hiểu lầm từ phía những con người chưa hiểu về đạo Phật, chưa tin Tam Bảo trong xã hội. Và cũng bằng cách này, một Tăng sĩ vẫn có thể có những cống hiến, đóng góp cho cả Đạo và đời.

Nhưng tôi sẽ làm điều đó một cách gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Tôi không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Tôi chỉ kiến tạo & quản lý, tạo điều kiện cho nhiều người đều có thể chung tay làm thiện Pháp. Với cách làm này, tôi có thể giúp đỡ nhiều người cùng được tham gia làm việc thiện cả cho xã hội, cả cho Phật – Pháp – Tăng.

Không chỉ chăm sóc con người, tôi cũng đang chăm sóc cả loài vật bị bỏ rơi (Trung tâm Thiền Thabarwa của Ngài Thiền sư Ottamathara có Trạm cứu trợ động vật hoang dã, động vật vô gia cư – Admin chú thích ), nhưng tôi cũng không tự mình làm việc đó. Tôi chỉ giao đất, giúp đỡ đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề & mở rộng ngày càng nhiều khu đất để động vật có được đời sống tự do, an toàn hơn mà thôi.

Những gì tôi đang làm hiện nay thực sự khó khăn đối với hầu hết mọi người trong xã hội. Nhưng vì nó khó, nên đó là lý do tại sao tôi cần tham gia vào các hoạt động xã hội này. Đây là cách tôi giải quyết sự hiểu lầm của người tại gia trong xã hội quan tâm đến chư Tăng Ni trong thời đại hiện đại này. Thông qua những việc làm của cá nhân tôi và Tăng đoàn Thabarwa, mọi người sẽ thấy không phải tất cả các nhà sư đều không làm gì chỉ ngồi thiền hay đọc kinh. Như tôi đã từng chia sẻ, hành Thiền là thiện Pháp cao quý nhất trong tất cả những thiện Pháp. Bạn sẽ không thể hiểu, nếu bản thân bạn không phải là một Thiền sinh thực thụ. Cá nhân tôi, tôi vẫn hành thiền trong mọi hoạt động thiện Pháp.

Là một Tăng sĩ trong hơn 20 năm, tôi có kinh nghiệm xuất gia của riêng mình. Tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều chư Tăng Ni trong suốt hơn 20 năm qua, vì vậy tôi cũng nắm được cả câu chuyện và kinh nghiệm xuất gia của những người khác.

Tôi biết rõ mọi ưu và nhược điểm của đời sống xuất gia. Nhưng thật khó để giải thích cho người tại gia không phải là người theo đạo hiểu. Sẽ có nhiều hiểu lầm nếu tôi chia sẻ về người Tăng sĩ trong xã hội hiện đại này. Tôi phải cẩn thận rất nhiều để không bị hiểu lầm vì những chia sẻ của mình.

Tôi không phải là người gây ra vấn đề trong mọi tình huống, mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh với mọi con người. Tôi chỉ luôn giải quyết vấn đề nhiều nhất có thể. Đó là lý do tại sao tôi cẩn thận để không xuất hiện những vấn đề mới từ phía mình hay vì mình mà ra. Đó là lý do tại sao tôi không thể tư vấn những vấn đề quá nhỏ nhặt. Tôi chỉ có thể đưa ra những lời khuyên trên Pháp, trên Sự thật, trên Chân lý mà thôi. Mọi người hãy hiểu những lời khuyên này để áp dụng nó đứng đắn, không tạo thêm những vấn đề mới từ lời khuyên của tôi.

Mặc dù là một đất nước Phật giáo, nhưng trong quá khứ, cũng có nhiều quan điểm không tốt về các nhà sư ở Myanmar. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách thực hành và làm những thiện Pháp ngày càng nhiều hơn cùng với các Tăng Ni và cư sĩ.

Hầu hết mọi người ở Trung tâm Thiền Thabarwa chỉ là cư sĩ. Tăng ni tổng cộng có khoảng hơn 1000, gần 2000. Tất cả những người còn lại chỉ là Thiền sinh. Hầu hết người dân ở Thabarwa đều được trung tâm hỗ trợ, được tôi hỗ trợ. Hầu hết họ không thể tự mình tồn tại để có chỗ ở, thức ăn, hành Thiền hoặc làm thiện Pháp. Bằng cách này, những quan điểm xấu trong nước cũng ngày càng giảm.

Muốn sửa lỗi lầm của người khác, chúng ta phải khéo léo sửa chữa mọi lỗi lầm trước hết từ mình. Nếu chúng ta không khéo léo hoặc không có đủ công đức, không đủ phước đức từ thiện Pháp thì rất khó sửa chữa lỗi lầm của người khác.

Vì vậy chúng ta nên làm việc thiện Pháp hơn nữa. Không chỉ cho mình, mà còn để sửa chữa lỗi lầm từ góc nhìn không đúng của người khác nữa.

Nếu chúng ta chỉ tự mình làm thiện Pháp, đa số mọi người không thể làm theo chúng ta. Chỉ khi chúng ta nhấn mạnh việc làm thiện Pháp không giới hạn cùng nhau – với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, trong mọi thời điểm hiện tại, trong mọi hoàn cảnh – thì ngày sẽ càng có nhiều người có cơ hội tham gia chung tay làm thiện Pháp cùng chúng ta.

Khi họ cùng được tham gia, họ sẽ có được cái hiểu từ chính trải nghiệm thực tế của mình. Trải nghiệm này sẽ đúng đắn hơn rất nhiều việc phải nghe lại từ một quan kiến sai lầm nào đó. Bằng cách này, những hiểu lầm về Phật – Pháp – Tăng sẽ ngày một ít đi.

Việc của chúng ta, hãy cứ nỗ lực tiếp tục kiên trì làm thiện Pháp.

– Thiền sư Ottamathara –

Trả lời câu hỏi của Thiền sinh trong Khoá thiền Vipassana Mùa Xuân 2024 tại Thiền đường Quốc tế – Thiền viện Phước Sơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here